HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM

            QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 

            I. BỐI CẢNH RA ĐỜI

            Trong giai đoạn đầu của thời kỳ đổi mới cơ chế kinh tế (1986), Đảng ta đã xác định: “cải cách, đổi mới cơ chế quản lý giá đóng vai trò trung tâm trong tiến trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thực hiện đường lối đổi mới, chúng ta đã chuyển cơ chế giá do Nhà nước quy định đối với hầu hết các hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế, buộc toàn xã hội thực hiện sang cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh đó là con đường lựa chọn đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

            Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, cơ chế giá thị trường tự nó luôn tiềm ẩn những yếu tố tác động làm cho giá thị trường không phải bao giờ và lúc nào cũng vận động đúng với giá trị thực của thị trường, như các yếu tố: độc quyền, đầu cơ, móc ngoặc, gian lận thương mại… Vì thế, khi quyết định phương án đầu tư, mua bán, thực hiện các nghĩa vụ tài chính… cả hai phía: mua và bán đều muốn có giá thị trường thực của tài sản để thực hiện quá trình giao dịch không bị rủi ro, thiệt hại. Xuất phát từ nhu cầu ban đầu đó, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu ấy đã xuất hiện ngày càng nhiều và đa dạng trên nhiều lĩnh vực kinh tế ở nước ta như: Xác định giá trị mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách Nhà nước, xác định giá trị tài sản để góp vốn, thế chấp, tính thuế, mua sắm, chuyển nhượng; cổ phần hóa, sát nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp… Tháng 2/1998 Trưởng Ban Vật giá Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm tư vấn dịch vụ kiểm định giá, tháng 9/1999 ký Quyết định thành lập Trung tâm thông tin và kiểm định giá Việt Nam. Đây là hai Trung tâm làm nhiệm vụ thẩm định giá đầu tiên của cả nước; cũng từ đó nhiều Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập các Trung tâm thẩm định giá. Sự ra đời của nghề thẩm định giá Việt Nam nhanh chóng được các tổ chức quốc tế công nhận; Chính vì vậy ngày 8/6/1997 Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Ban Vật giá Chính phủ Việt Nam gia nhập và là thành viên chính thức của Hiệp Hội thẩm định giá ASEAN, ngày 1/6/1998 tham gia Ủy ban Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế với tư cách là hội viên thông tấn và đến tháng 11/2009 đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế.

            Năm 2002, Pháp lệnh giá được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành đã chính thức cho phép thành lập các doanh nghiệp thẩm định giá (TĐG) bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để thẩm định giá các tài sản của Nhà nước, tài sản của tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu, làm cơ sở để chủ tài sản có căn cứ phê duyệt chi từ ngân sách Nhà nước, tính thuế, xác định giá trị bảo đảm vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm, cho thuê, chuyển nhượng, bán, góp vốn, cổ phần hóa, giải thể doanh nghiệp và sử dụng vào các mục đích khác đã được ghi trong hợp đồng TĐG.

            Tính đến thời điểm này, cả nước có 2 Trung tâm thẩm định giá trực thuộc Ban Vật giá Chính phủ và 34 Trung tâm thẩm định giá trực thuộc Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp theo quy định của Pháp lệnh Giá và Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 3/8/2005 của Chính phủ về thẩm định giá…

            Căn cứ vào tình hình thực tế và quy mô hoạt động của nghề TĐG, nhu cầu thành lập Hội Thẩm định giá Việt Nam đã hình thành. Nắm bắt kịp thời nhu cầu đó, Ts Nguyễn Ngọc Tuấn - Nguyên Trưởng Ban Vật giá Chính phủ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính đã đề xuất ý tưởng thành lập Hội và ý tưởng đó đặc biệt được đồng chí Nguyễn Sinh Hùng khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ Trưởng Bộ Tài chính rất khuyến khích, quan tâm và tạo điều kiện cần thiết. Để biến ý tưởng thành hiện thực, Ts Nguyễn Ngọc Tuấn đã chủ động cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp TĐG nòng cốt tích cực triển khai các công việc cần thiết trình các cơ quan có thẩm quyền để Hội Thẩm định giá Việt Nam ra đời. Chính vì vậy, ngày 26/12/2005 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có Quyết định số 138/2005/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hội Thẩm định giá Việt Nam hoạt động theo Điều lệ của Hội được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt và chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

            Sau khi các thủ tục pháp lý về việc thành lập Hội được ban hành, dưới sự chỉ đạo, chứng kiến của Lãnh đạo Bộ Tài chính, Đại hội thành lập Hội Thẩm định giá Việt Nam đã được tổ chức thành công vào ngày 24/5/2006 và đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 15 thành viên do Ông Nguyễn Ngọc Tuấn làm Chủ tịch.

            Hội tổ chức hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 1116/QĐ-BNV ngày 14/8/2006. Từ Đại hội nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III đến nay, Hội tiếp tục tổ chức hoạt động theo Điều lệ Hội do Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 1121/QĐ-BNV ngày 11/10/2013.

              *Tôn chỉ, mục đích của Hội như sau:

            - Hội Thẩm định giá Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp, được thành lập trên cơ sở tự nguyện của các tổ chức và công dân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn định giá và thẩm định giá theo quy định của pháp luật (sau đây gọi tắt là thẩm định giá).

            - Mục đích hoạt động của Hội là tập hợp, đoàn kết hội viên; đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên; phối hợp, liên kết hỗ trợ hoạt động của  các hội viên; vận động khuyến khích hội viên nghiêm túc chấp hành pháp luật về định giá và thẩm định giá, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức có cùng lĩnh vực hoạt động ở các nước trong khu vực và trên Thế giới, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

            * Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội được quy định trong Điều lệ Hội:

            A. Quyền hạn

            1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội.

            2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội.

            3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

            4. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội, tổ chức dạy nghề, truyền nghề theo quy định của pháp luật.

            5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

            6. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hội.

            7. Thành lập pháp nhân thuộc Hội theo quy định của pháp luật.

            8. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động.

            9. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

            10. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Hội hoạt động, cơ quan quyết định cho phép thành lập Hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế.

            B. Nhiệm vụ

            1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hội. Tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội đã được phê duyệt. Không được lợi dụng hoạt động của Hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

            2. Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hội nhằm tham gia phát triển lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hội, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

            3. Phổ biến, huấn luyện kiến thức cho hội viên, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Hội.

            4. Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

            5. Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội theo quy định của pháp luật.

            6. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hội.

            7. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hội theo đúng quy định của pháp luật.

            8. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

           * Địa chỉ trụ sở Hội:

- Phòng 101/602 Tòa nhà dự án –Số 4 ngõ Hàng Chuối I - Hai Bà trưng - Hà Nội.

- Số điện thoại của Văn phòng Hội:

+ Chủ tịch Hội: (024) 36410004

+ Văn phòng Hội: (024) 36410056/36410329

+ Fax: (024) 36410056

+ Email: hoithamdinhgiavn@vva.org.vn

+ Website: www.vva.org.vn   

 C. Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2023-2027)

Nhiệm kỳ IV, Hội Thẩm định giá Việt Nam tiếp tục tổ chức hoạt động theo quy định của Điều lệ Hội và các quy định của Luật Giá trong bối cảnh có những thuận lợi là: Môi trường pháp lý về thẩm định giá sẽ được tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh tạo thuận lợi cho hoạt động thẩm định giá như: Một số Luật sẽ được sửa đổi, bổ sung như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá;  sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn thẩm định giá…Quản lý Nhà nước về thẩm định giá sẽ có hiệu lực, hiệu quả hơn trước trên cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng thẩm định giá, giúp cho hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá tốt hơn, hạn chế rủi ro…Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng còn một số khó khăn như quy định của một số Bộ, Ngành ở một số lĩnh vực thẩm định giá tài sản cụ thể đang tồn tại sự không đồng nhất đã gây ra những khó khăn nhất định đối với việc thực hiện nghiệp vụ thẩm định giá và trách nhiệm giải trình với cơ quan có thẩm quyền và khách hàng thẩm định giá.

        Do đó, Ban Chấp hành Hội và toàn thể Hội viên Hội Thẩm định giá Việt Nam xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động nhiệm kỳ IV (2023-2027) như sau:

        1. Phương hướng chung

        Kiên trì xây dựng và phát triển Hội giữ vững vị thế, nâng cao hơn nữa uy tín trở thành khối liên kết ngành nghề hữu ích với xã hội, trở thành “cánh tay nối dài” của Bộ Tài chính trong quản lý hoạt động thẩm định giá và là “cầu nối” thiết thực, có hiệu quả giữa các doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá với cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.

        Hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển, nâng cao uy tín, đạo đức nghề nghiệp và sự tin cậy của khách hàng; Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thẩm định giá; cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả và tăng trưởng bền vững đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

        2. Phương hướng nhiệm vụ cụ thể:

        Thứ nhất: Tiếp tục chủ động và tích cực triển khai hoạt động tư vấn, phản biện chính sách; tham gia, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về thẩm định giá nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về thẩm định giá trên cơ sở liên kết chặt chẽ giữa Ban Chấp hành với các hội viên để động viên, đôn đốc các hội viên thực hiện tốt việc tham gia, góp ý, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước; gồm: Các nội dung liên quan đến hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn Luật Giá; các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam; kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá …

        Thứ hai: Tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá và các hội viên có các giải pháp thiết thực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, kiểm soát, đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá. Thực hiện các giải pháp liên kết các hội viên có hiệu quả hơn thông qua các hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học về thẩm định giá; tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi, hội thảo chuyển giao kinh nghiệm trong thẩm định giá; đào tạo, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn về kiến thức, nghiệp vụ và thực tiễn cung ứng dịch vụ trong thẩm định giá…

        Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá để cung cấp theo hướng “cảnh báo” những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm định giá. Trên cơ sở đó để tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi, hội thảo với các hội viên trong cả nước về các nội dung trên.

        Thứ ba: Chủ động tiếp nhận, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động mới khi pháp luật quy định và cơ quan quản lý nhà nước về thẩm định giá chuyển giao.

        Thứ tư: Tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành thẩm định giá, xây dựng các chương trình đào tạo, quy mô phù hợp, sát nhu cầu của xã hội theo các hình thức đào tạo hợp lý, với nhiệm vụ cụ thể là: Tổ chức ít nhất hàng năm khoảng 8-10 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành thẩm định giá cho các đối tượng có nhu cầu tự nguyện theo học, 8-10 lớp cập nhật kiến thức về thẩm định giá, 01 lớp ôn thi kiến thức thi Thẻ Thẩm định viên về giá.

        Thứ năm: Tiếp tục chú trọng triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực giá và thẩm định giá bằng các hình thức thích hợp, trọng tâm là các quy định của pháp luật về thẩm định giá.

        - Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các kế hoạch truyền thông thiết thực về thẩm định giá thông qua các công cụ truyền thông của Hội, các chương trình, sự kiện… để truyền tải các thông tin về hoạt động thẩm định giá đến toàn xã hội.

        - Tiếp tục cải cách, nâng cấp hiện đại hóa website của Hội và các hội viên, mở rộng các hình thức, phạm vi kết nối qua mạng điện tử;

        - Đẩy mạnh, phát triển hoạt động của Tạp chí điện tử “Nhịp sống thị trường” thông qua giải pháp tiếp tục giới thiệu, quảng bá về Tạp chí đến tất cả các doanh nghiệp thẩm định giá và bạn đọc trong cả nước để thu hút bạn đọc, tập hợp các bài viết có chất lượng.

        Thứ sáu: Phấn đấu để hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá là hội viên trong Hội đạt mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước về doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Chủ trương áp dụng công nghệ số trong hoạt động thẩm định giá.

        Phấn đấu chất lượng thẩm định giá qua kết quả kiểm tra, giám sát; đánh giá của Bộ Tài chính đạt từ 80 điểm trở lên. Không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật về thẩm định giá; giảm thiểu các sai sót, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về kết quả thẩm định giá.

        Đoàn kết giữa các hội viên và giữa hội viên với các doanh nghiệp khác, cam kết tuân thủ pháp luật về thẩm định giá không để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá dịch vụ và chất lượng dịch vụ thẩm định giá; góp sức thực hiện chủ trương chống tham nhũng, lợi ích nhóm và lãng phí thất thoát nguồn lợi xã hội.

        Thứ bảy: Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các tổ chức thẩm định giá quốc tế về các hoạt động hội thảo khoa học, hội nghị thường niên…; phấn đấu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, thông tin, học tập kinh nghiệm.

        Chú trọng triển khai các kế hoạch hợp tác với Hiệp hội Thẩm định giá Bất động sản Nhật Bản về việc “chuyển giao” các kinh nghiệm định giá đất hàng loạt của Nhật Bản và những tư vấn về định giá đất ở Việt Nam thông qua các hình thức: Hội thảo, tổ chức khảo sát thực tế, trao đổi thông tin hai chiều…

        Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ là đại diện cho ngành nghề thẩm định giá với các tổ chức thẩm định giá quốc tế khi được cơ quan quản lý nhà nước giao.

        Thứ tám: Kiên trì phấn đấu xây dựng Hội phát triển.

        Thực hiện củng cố tổ chức Ban Chấp hành và các Ban đơn vị thuộc Hội ngay sau Đại hội; Đồng thời triển khai ngay các hoạt động theo nghị quyết của Đại hội thông qua việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh các quy chế hoạt động. Đẩy mạnh hoạt động của các Ban nghiệp vụ. Nghiên cứu thành lập Ban Hợp tác quốc tế. Mở rộng các hình thức liên kết với các hội viên; động viên, khuyến khích các hội viên thi đua hoàn thành tốt kế hoạch kinh doanh; Chấp hành nghiêm túc pháp luật về thẩm định giá, thực hiện đúng các nghĩa vụ và quyền lợi tham gia các hoạt động của Hội, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của hội viên trong việc phối hợp xây dựng hành lang pháp lý về thẩm định giá, trong đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về thẩm định giá, thông tin tuyên truyền, nghiên cứu khoa học, nghĩa vụ hội phí xây dựng Hội… Kết nối chặt chẽ với cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện đúng các quy định của Điều lệ Hội và của Luật Giá.

        Phấn đấu mỗi năm kết nạp tối thiểu tăng thêm 10% hội viên là doanh nghiệp thẩm định giá và 10% hội viên là cá nhân.

        Trên đây là phương hướng hoạt động nhiệm kỳ IV (2023-2027) đã được Đại hội Hội Thẩm định giá Việt Nam nhiệm kỳ IV biểu quyết nhất trí.

          Căn cứ Quyết nghị của Đại hội, Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ IV có trách nhiệm xây dựng chương trình hoạt động từng tháng, quý, biện pháp tổ chức thực hiện hàng năm. Ban Chấp hành kêu gọi tất cả các hội viên tích cực thi đua, đồng thuận với Nghị quyết Đại hội, đoàn kết phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

* Các chức danh Lãnh đạo Hội nhiệm kỳ IV (2023-2027)

HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM

(Văn Phòng Hội )

hotline 024 36410056