HỘI THẨM ĐỊNH GIÁ VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2022 |
BÁO CÁO
TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NĂM 2022
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2023
------------------
PHẦN THỨ NHẤT
KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NĂM 2022
-----------
Hội Thẩm định giá Việt Nam tổ chức thực hiện phương hướng hoạt động năm 2022 Nhiệm kỳ III (2018-2022) được Ban Chấp hành Hội thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ V vào tháng 12/2021 như sau:
Năm 2022, Hội Thẩm định giá Việt Nam hoạt động trong bối cảnh nền kinh tế trong nước áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; đầu tư công giải ngân thấp, mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nhất là đấu thầu, đấu giá mua sắm tài sản công; vật tư trang thiết bị thuốc y tế …dẫn đến nhu cầu thẩm định giá tốc độ tăng chậm lại. Một số doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên để xảy ra sai phạm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự gây ra tâm lý lo lắng về tính an toàn, tính rửi ro của ngành nghề của các doanh nghiệp, thẩm định viên trong cả nước. Hiện tượng chuyển nghề của thẩm định viên đã diễn ra ở một số doanh nghiệp thẩm định giá: Tuy nhiên nhờ chủ động có những biện pháp khắc phục khó khăn, phát huy những thuận lợi, đoàn kết, bám sát phương hướng nhiệm vụ do Nghị quyết Đại hội III đề ra và được cụ thể hóa bằng phương hướng hoạt động đột phá, đổi mới của năm 2022, toàn Hội đã phấn đấu đạt được nhiều kết quả trong triển khai tổ chức hoạt động.
I. Những kết quả đạt được
Thành công trong hoạt động của Hội cơ bản là hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết của Ban Chấp hành đã đề ra cho năm 2022, trong đó: Thành công vượt trội, nổi bật được đánh giá tập trung ở 4 lĩnh vực chủ yếu như sau:
(i). Tham mưu, góp ý, phản biện, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về giá trên một số lĩnh vực;
(ii). Gắn kết với các hội viên, tham gia tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các hội viên bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với quy định của pháp luật.
(iii). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá cho học viên trong cả nước có nhu cầu và đào tạo cập nhật kiến thức hàng năm cho các thẩm định viên về giá.
(iv). Công tác thông tin, tuyên truyền về giá và thẩm định giá.
Các thành công cụ thể như sau:
Thứ nhất: Phát huy kết quả của các năm trước, năm 2022 Hội tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu, tư vấn, phản biện, góp ý xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách về giá và thẩm định giá theo yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước; góp phần tạo lập môi trường pháp lý phù hợp hơn với cơ chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước cho việc quản lý hoạt động về giá và thẩm định giá. Cụ thể:
1) Tham gia Tổ Biên tập Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì.
2) Tham gia góp ý với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam từ Tiêu chuẩn số 01 đến 07 để khắc phục những bất cập, vướng mắc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn cho hoạt động thẩm định giá trong nước.
3) Góp ý với Bộ Tài chính Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá về thu thập thông tin và phân tích thông tin về tài sản thẩm định giá; Dự thảo Thông tư ban hành Tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tín dụng; Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế hoạt động của Cơ sở dữ liệu Quốc gia về giá.
4) Tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về Dự thảo Quyết định thành lập Cụm thi đua các hội, hiệp hội thuộc tuyến thi đua khen thưởng của Bộ Tài chính.
5) Thực hiện công tác tư vấn chuyên môn, chỉ đạo xây dựng các phương án giá tư vấn về nước sạch tại Long An, Tiền Giang, Hà Nội; Giá các dịch vụ xử lý nước thải, rác thải, dịch vụ nghĩa trang tại Bình Dương; Cử chuyên gia tham gia tổ giúp việc của Hội đồng thẩm định Nhà nước về giá đất tại Bắc Ninh
…
Thứ hai: Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên và tạo sức lan tỏa cho cả ngành nghề thẩm định giá thông qua các giải pháp:
- Góp sức cùng cơ quan quản lý Nhà nước về giá và thẩm định giá xây dựng, sửa đổi các quy định của pháp luật về giá như: Luật Giá, các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam…
- Tổng hợp ý kiến của các hội viên để phản ánh, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá.
- Chủ động thực hiện liên kết, hướng dẫn, vận động các hội viên tuân thủ pháp luật về thẩm định giá; Thông tin kịp thời tới các hội viên các nội dung cần tuân thủ pháp luật về thẩm định giá.
- Trao đổi, tư vấn, hướng dẫn tháo gỡ những vướng mắc về nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, các thẩm định viên và các việc cần chấn chỉnh đối với các thương vụ thẩm định giá của một số doanh nghiệp hội viên. Tích cực tham gia một số doanh nghiệp trong trách nhiệm giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về kết quả thẩm định giá tài sản.
- Thu thập những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá truyền tải đến các hội viên để có những giải pháp rút kinh nghiệm, chấn chỉnh hoạt động thẩm định giá của đơn vị mình, ngăn ngừa rủi ro, hoạt động có hiệu quả.
- Thực hiện thường xuyên việc tuyên truyền, giải thích, bảo vệ những công việc, những hoạt động đúng đắn khách quan phù hợp với quy định pháp luật của hoạt động thẩm định giá trên Tạp chí điện tử: Nhịp sống Thị trường, trên Website của Hội và các phương tiện thông tin đại chúng góp phần để các cơ quan pháp luật, để dư luận xã hội hiểu về ngành nghề, chia sẻ sự đồng thuận với hoạt động nghề thẩm định giá.
Thứ ba: Thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành thẩm định giá: Có thể đánh giá: Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ chủ động, đổi mới công tác chiêu sinh nên công tác đào tạo kiến thức về thẩm định giá của Hội vẫn tiếp tục đạt được các thành công vượt trội và có tính bền vững được Bộ Tài chính ghi nhận, học viên và các tổ chức, đơn vị cử người đi học tín nhiệm; cụ thể:
(i).Về số lượng các khóa đào tạo:
Năm 2022 Hội đã tổ chức tổng số được 23 khóa (18 khóa học trực tuyến –(online) và 05 khóa học trực tiếp) cho tất cả các loại hình đào tạo; Trong đó:
- Về tổ chức đào tạo nghiệp vụ thẩm định giá:
+ Tổ chức thành công 11 khóa đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành TĐG cho khoảng 523 học viên; Trong đó thực hiện đào tạo trực tiếp tại cơ sở cho 36 cán bộ, nhân viên Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt chi nhánh Nam Định.
- Về tổ chức đào tạo theo chuyên đề:
+ Tổ chức 01 khóa học chuyên đề trực tiếp tập trung cho 69 học viên là cán bộ, nhân viên của Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh.
- Về tổ chức đào tạo cập nhật kiến thức:
+ Tổ chức thành công 11 khóa học cập nhật kiến thức bắt buộc hàng năm theo quy định của pháp luật cho 805 thẩm định viên về giá trong cả nước (Bình quân 1 lớp là 73 học viên. Năm 2022 giảm 126 học viên (13,5%) so với năm 2021 số lượng thẩm định viên cập nhật bị giảm trong năm nay là do một số thẩm định viên không đủ điều kiện đăng ký hành nghề năm 2023 theo quy định của Nghị định số 12/2021/NĐ-CP ngày 24/2/2021 của Chính phủ.
(ii). Về chất lượng đào tạo:
- Chất lượng đào tạo của Hội được đánh giá rất cao
- Các giảng viên được học viên đánh giá bằng phiếu đánh giá tín nhiệm từng khóa học bình quân cả năm của một giảng viên đều đạt điểm tốt, cụ thể:
Đối với khóa học đào tạo cấp chứng chỉ: Điểm tốt đạt 90,4%, khá 8,5% (tính điểm là 100%).
Đối với khóa học cập nhật kiến thức: Điểm tốt đạt 90,1%, khá 9%
(iii). Công tác phục vụ lớp học
Mặc dù nhiều khóa học được tổ chức đan xen, thậm chí “chồng lấn”, có những khóa học được tổ chức tại địa phương xa Hà Nội để đáp ứng yêu cầu của học viên, nhưng Hội đã khắc phục tốt các khó khăn, bảo đảm phục vụ tất cả các khóa học thành công, được học viên chấm điểm đánh giá cao, trong đó: Đối với các khóa đào tạo cấp chứng chỉ: phục vụ tài liệu học tập: Tốt 90%, khá 8%, tổ chức quản lý lớp: Tốt 91%, khá 9%. Đối với các khóa đào tạo cập nhật kiến thức phục vụ lớp học đạt điểm Tốt 90%. Khá 10%.
- Với kết quả đào tạo, bồi dưỡng nêu trên, Hội đã cung cấp được hàng ngàn học viên đủ điều kiện thi Thẻ thẩm định viên về giá và hàng ngàn thẩm định viên đủ điều kiện để Bộ Tài chính thông báo được hành nghề thẩm định giá năm 2023; chưa kể số người đang làm công tác thẩm định giá ở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế như: các tổ chức tài chính, ngân hàng, kiểm toán, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh…
Thứ tư: Công tác thông tin, tuyên truyền về cơ chế chính sách, chủ trương quản lý và điều tiết giá, các quy định về thẩm định giá của Nhà nước được Hội chủ động tích cực, thường xuyên triển khai, thực hiện bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng được dư luận đồng tình như: Định hướng điều tiết giá, các giải pháp điều hành giá điện, Biểu giá bán lẻ điện, giá xăng dầu, nước sạch; giá sàn vé máy bay; giá thịt lợn; thẩm định giá máy - thiết bị; Các quy định của pháp luật về thẩm định giá…
- Tổ chức nâng cấp, cải tiến trang tin điện tử của Hội bằng giải pháp đổi mới cơ cấu chuyên mục, theo hướng kết nối với các hội viên; tổ chức diễn đàn trao đổi, phổ biến kiến thức thẩm định giá, thư viện pháp luật. Tổng số lượt truy cập Website 8,7 triệu lượt người truy cập. 02 trang Facebook của Hội có 4.000 người đăng ký tham gia và theo dõi.
- Đặc biệt Tạp chí điện tử “Nhịp sống thị trường”- Markettimes của Hội đang phát triển mạnh khẳng định vị thế mới của Hội. Tạp chí trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thẩm định giá Việt Nam, đồng thời là “cầu nối” hữu hiệu giữa doanh nghiệp thẩm định giá với cơ quan quản lý Nhà nước. Tạp chí hiện đã được bạn đọc rất quan tâm, đang trở thành một trong những công cụ của Hội giúp Bộ Tài chính trong việc thông tin tuyên truyền về pháp luật, cơ chế, chính sách giá và thẩm định giá của Nhà nước, tham mưu cho Bộ, theo dõi, giám sát, quản lý lĩnh vực thẩm định giá có hiệu quả hơn nữa.
Tạp chí mới thành lập và đi vào hoạt động được hơn 1 năm nhưng Tạp chí đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đã có nhiều bài viết có chất lượng, phản ánh được hơi thở của nhịp sống thị trường, nhất là những vấn đề nóng của thẩm định giá, nên con số tăng trưởng về bạn đọc nhanh, được cộng đồng đánh giá cao; Hiện Tạp chí đang duy trì lượng người truy cập khoảng 20.000 lượt người xem (Visits)/tháng và lượng truy cập (Pageview) khoảng 500.000/tháng.
Ngoài ra Tạp chí còn đầu tư phát triển đa phương tiện thông qua việc xuất bản các tin bài video trên Youtube, Tiktok. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng tiến hành xuất bản các ấn phẩm đặc san bản in phát hành vào các dịp đặc biệt như Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 và Chào năm mới Quý Mão 2023.
…
Ngoài những thành công nổi trên, các hoạt động khác của Hội cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể như:
* Tổ chức, công tác nghiên cứu khoa học, hội thảo, hợp tác quốc tế về giá, thẩm định giá và các vấn đề kinh tế vĩ mô để tham mưu đề xuất ý kiến với cơ quan quản lý Nhà nước, cũng đạt nhiều kết quả.
Năm qua, Hội cũng tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu khoa học phục vụ trực tiếp hoạt động thẩm định giá như: Những vấn đề về đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG; Những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động TĐG: nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Tổ chức cuộc hội thảo với các doanh nghiệp hội viên về nội dung sửa đổi các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam từ số 01 đến số 07… Đồng thời tham dự nhiều cuộc hội thảo với các ngành về một số lĩnh vực có liên quan đến giá và TĐG như:
- Tham gia Hội nghị trao đổi về công tác định giá trong tố tụng hình sự; Tham gia hội thảo với Bộ Tài chính về Dự thảo Luật Giá (Sửa đổi); Sửa đổi bổ sung các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam.
- Lĩnh vực hợp tác quốc tế về thẩm định giá cũng được quan tâm duy trì và mở rộng:
+ Duy trì quan hệ hợp tác với Ủy ban Tiêu chuẩn TĐG quốc tế, Hiệp hội TĐG ASEAN. Tham gia hội nghị thường niên của Hiệp hội Thẩm định giá ASEAN
+ Tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với Hiệp hội TĐG Bất động sản Nhật Bản.
* Hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá của các hội viên là doanh nghiệp thẩm định giá đại đa số vẫn đạt được những kết quả tích cực.
Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng của hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá có chậm lại, có hai doanh nghiệp vi phạm Điều lệ Hội và pháp luật bị truy tố hình sự và bị khai trừ ra khỏi Hội. Nhưng hầu hết doanh nghiệp hội viên vẫn duy trì, giữ vững được hoạt động và đại đa số doanh nghiệp hội viên của Hội vẫn giữ được uy tín, thương hiệu trên thị trường;
* Công tác xây dựng và phát triển Hội tiếp tục được củng cố.
+ Củng cố hoạt động của Hội, đổi mới công tác tổ chức bộ máy của Hội như đẩy mạnh công tác hoạt động của một số Ban chuyên môn như Ban Pháp chế, Ban Nghiên cứu và chuyển giao khoa học thẩm định giá đạt kết quả tốt.
+ Ngoài các công tác chuyên môn nêu trên, Hội cũng chăm lo tổ chức tốt các hoạt động khác như về tài chính bảo đảm cân đối thu chi đáp ứng yêu cầu các hoạt động, có điều kiện cải thiện thu nhập cho cán bộ, nhân viên Văn phòng Hội, nâng dần được mức thù lao giảng dậy cho các giảng viên; đồng thời bước đầu đã có những hỗ trợ nhất định cho hoạt động của một số đơn vị thuộc Hội. Hội cũng đã tổ chức thành công tổ chức tốt ngày Hiến chương các Nhà giáo, các công việc liên quan đến đón Tết cổ truyền dân tộc....
+ Năm 2022 kết nạp thêm 01 đơn vị hội viên mới và 01 cá nhân, Tuy nhiên Hội viên năm 2022 bị giảm số lượng hội viên nguyên nhân: 01 đơn vị xin rút khỏi Hội (Công ty CP Thẩm định và công nghệ Việt Nam); 02 đơn vị bị khai trừ do vi phạm Điều lệ Hội và vi phạm pháp luật (Công ty CP Thẩm định giá và Tư vấn đầu tư xây dựng Thế Hệ Mới, Công ty CP Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam).
+ Đa số các hội viên là đơn vị và cá nhân đã tích cực thực hiện nghĩa vụ hội phí ngay từ những tháng đầu năm theo quyết nghị của Ban Chấp hành Hội.
II. Những tồn tại:
Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động năm 2022 của Hội như trên thì đã có những tồn tại:
- Đáng chú ý về hoạt động cung ứng dịch vụ của một số ít hội viên đã có những sai phạm trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá bị các cơ quan pháp luật khởi tố.
- Công tác hội phí: Bên cạnh các hội viên rất tích cực trong việc thực hiện nghĩa vụ hội phí để xây dựng Hội, thì vẫn còn không ít hội viên cho đến nay hết năm vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của Điều lệ Hội. Tổng số đơn vị hội viên nộp hội phí mới đạt 69%, tổng số hội viên cá nhân đạt 45%.
III. Kiến nghị Bộ Tài chính (Trực tiếp là Cục Quản lý giá)
1. Đề nghị Cục Quản lý giá xem xét tập hợp những nội dung đề xuất, góp ý của Hội về Luật Giá (sửa đổi) và các Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam để trình Bộ xem xét, xử lý góp phần khắc phục những bất cập, vướng mắc tạo hành lang pháp lý thuận lợi, an toàn cho hoạt động về thẩm định giá.
2. Đề nghị Cục coi Tạp chí Nhịp sống Thị trường không chỉ là cơ quan ngôn luận của Hội mà nó là tiếng nói của ngành thẩm định giá, vì vậy cần giao nhiệm vụ cho đơn vị quản lý cụ thể về thẩm định giá có kế hoạch cụ thể phối hợp với Tạp chí để hỗ trợ Tạp chí, giúp công tác tuyên truyền về thẩm định giá hiệu quả hơn.
3. Đề nghị Cục có tổng kết, đánh giá những sai phạm vừa qua của một số doanh nghiệp, thẩm định viên để tập huấn, tuyên truyền góp phần ngăn chặn các sai phạm tương tự xảy ra. Đồng thời có kế hoạch và triển khai kế hoạch chăm lo bảo vệ ngành nghề một cách phù hợp có hiệu quả, chống hình sự hóa các vi phạm hành chính trong hoạt động thẩm định giá
PHẦN THỨ HAI
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2023
Phương hướng, nhiệm vụ chung của cả năm 2023
Bối cảnh kinh tế, thị trường trong nước có những thuận lợi cho phát triển tiếp tục tạo cơ hội cho hoạt động thẩm định giá, nhưng cũng gặp không ít khó khăn thách thức đối với nghề thẩm định giá như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng chậm hơn so với năm 2022; Chi phí sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tiếp tục có xu hướng gia tăng; Tình hình giải ngân vốn đầu tư công, mua sắm tài sản từ ngân sách Nhà nước vẫn gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân…
Tuy nhiên, để thực hiện tốt quy định của Điều lệ Hội, Hội Thẩm định giá Việt Nam xác định phương hướng hoạt động chung như sau:
Tập hợp, liên kết các hội viên thực hiện “Đoàn kết, hợp tác, thực hiện tốt Điều lệ Hội và các mục tiêu cụ thể của năm 2023. Động viên các hội viên tổ chức hoạt động tuân thủ pháp luật đảm bảo chất lượng và tiện ích dịch vụ; nâng cao uy tín, đạo đức nghề nghiệp và sự tin cậy của thị trường”.
Nhiệm vụ trọng tâm:
Tổ chức Đại hội của Hội theo quy định của Điều lệ Hội nhiệm kỳ 2023-2027
Nhiệm vụ cụ thể:
Thứ nhất:
Tiếp tục chủ động và tích cực trong tư vấn phản biện chính sách; tham gia, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước về TĐG nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về TĐG; gồm:
Các nội dung liên quan đến hoàn thiện quản lý Nhà nước về thẩm định giá, Luật Giá, các Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam; kiểm soát cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG…
Thứ hai: Tiếp tục phối hợp với Cục Quản lý giá và các hội viên có các giải pháp thiết thực tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, kiểm soát, đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá. Thực hiện các giải pháp liên kết các hội viên có hiệu quả hơn thông qua các hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học về thẩm định giá; tổ chức nghiên cứu, tọa đàm, trao đổi, hội thảo chuyển giao kinh nghiệm trong thẩm định giá; đào tạo, tập huấn, tháo gỡ những khó khăn về kiến thức, nghiệp vụ và thực tiễn cung ứng dịch vụ trong thẩm định giá…
Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tập hợp những thiếu sót, sai phạm trong hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá để cung cấp theo hướng “cảnh báo” những rủi ro nghề nghiệp cho các hội viên tìm các giải pháp chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ thẩm định giá và kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về thẩm định giá. Trên cơ sở đó để tổ chức 1 cuộc giao lưu, trao đổi với các hội viên trong cả nước về các nội dung trên.
Thứ ba: Tích cực triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành thẩm định giá xây dựng các chương trình đào tạo, quy mô phù hợp, sát nhu cầu của xã hội theo các hình thức đào tạo hợp lý.
Kiến nghị Bộ về nội dung cập nhật kiến thức năm 2023 cho các thẩm định viên về giá. Hội tập trung phấn đấu:
- Tổ chức ít nhất khoảng 8-10 khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành TĐG / năm.
- Tổ chức ít nhất khoảng 8-10 lớp cập nhật kiến thức TĐG / năm.
- Tổ chức 2 lớp ôn thi kiến thức TĐG / năm.
Thứ tư: Tiếp tục chú trọng triển khai công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực giá và TĐG bằng các hình thức thích hợp, trọng tâm là các quy định của pháp luật về TĐG.
- Tiếp tục cải cách, nâng cấp hiện đại hóa website của Hội và các hội viên, mở rộng các hình thức, phạm vi kết nối qua mạng điện tử;
- Đẩy mạnh, phát triển hoạt động của Tạp chí điện tử “Nhịp sống thị trường” thông qua giải pháp tiếp tục giới thiệu, quảng bá về Tạp chí đến tất cả các doanh nghiệp thẩm định giá và bạn đọc trong cả nước để thu hút bạn đọc, tập hợp các bài viết có chất lượng. Chú trọng xây dựng các nội dung tuyên truyền về hoạt động TĐG.
Thứ năm: Hoạt động cung ứng dịch vụ TĐG của các doanh nghiệp hội viên, phấn đấu:
- Tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận và nghĩa vụ nộp ngân sách đạt mức năm 2023 cao hơn năm 2022.
- Xếp điểm chất lượng hoạt động TĐG của Bộ Tài chính đạt từ 80 điểm trở lên.
- Phấn đấu không để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động TĐG.
Thứ sáu: Tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác quốc tế về TĐG, cụ thể:
- Duy trì hợp tác với các đối tác cũ, mở rộng thêm đối tác và mở rộng thêm lĩnh vực hợp tác khác.
Thứ bẩy: Kiên trì phấn đấu xây dựng Hội phát triển trở thành “cầu nối” hữu ích giữa doanh nghiệp TĐG, thẩm định viên về giá với cơ quan quản lý Nhà nước và ngược lại.
- Củng cố hoạt động của BCH và các Ban đơn vị thuộc Hội; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Quy chế hoạt động.
- Mở rộng các hình thức liên kết với các hội viên
- Phấn đấu mỗi năm kết nạp tối thiểu tăng thêm 10% hội viên là tổ chức, doanh nghiệp TĐG và 10% hội viên là cá nhân.
- Đẩy mạnh phát triển hoạt động của Câu Lạc bộ Thẩm định giá Sài Gòn.
- Phấn đấu tạo nguồn thu tăng hơn năm 2022 về tài chính, phù hợp với quy định của Điều lệ Hội và của pháp luật để chủ động triển khai phục vụ các hoạt động của Hội.
Trên đây là báo cáo toàn bộ quá trình hoạt động của Hội Thẩm định giá Việt Nam trong năm 2022 và phương hướng năm 2023 để các thành viên Ban Chấp hành, các hội viên nghiên cứu, quán triệt, xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Nơi nhận: - Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) - Các thành viên Ban Chấp hành - Các đơn vị hội viên - Đăng Website - Lưu: VT | CHỦ TỊCH (đã ký) Nguyễn Tiến Thỏa |
(Văn phòng Hội )